Giá dầu tăng vào đầu phiên giao dịch châu Á hôm thứ Hai (ngày 29/5) sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ đạt được thỏa thuận trần nợ dự kiến, có thể ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 39 cent, tương đương 0,5%, lên 77,34 USD/thùng vào 23h17 GMT, trong khi dầu thô WTI ở mức 73,12 USD/thùng, tăng 45 cent, tương đương 0,6%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm thứ Bảy đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc đình chỉ trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD. Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự tin tưởng rằng các thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, cứu trợ cho thị trường tài chính toàn cầu có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì sau khi thỏa thuận được phê duyệt, Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ phát hành trái phiếu nhằm thắt chặt thanh khoản hơn nữa và khiến việc cấp vốn trở nên đắt đỏ hơn đối với các công ty vốn đang quay cuồng với lãi suất cao.
Tuần trước, dầu Brent và dầu WTI đã ghi nhận mức tăng hàng tuần thứ hai liên tiếp hơn 1% nhờ tiến trình đàm phán trần nợ của Mỹ và sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út cảnh báo những người bán khống đặt cược giá dầu sẽ giảm để “coi chừng” cơn đau.
Một số nhà đầu tư coi cảnh báo này là tín hiệu cho thấy OPEC+ có thể xem xét cắt giảm sản lượng hơn nữa tại cuộc họp vào ngày 4/6.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuần trước cho biết ông dự kiến sẽ không có bước đi mới nào từ OPEC+ do quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện được đưa ra mới chỉ một tháng trước.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết trong báo cáo hàng tuần vào thứ Sáu rằng các công ty năng lượng Mỹ này đã cắt giảm số giàn khoan tuần thứ tư liên tiếp, trong đó số giàn khoan dầu giảm 5 giàn khoan xuống còn 570 giàn trong tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022.
Các nhà đầu tư đang theo dõi dữ liệu sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc trong tuần này cũng như dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp Mỹ vào thứ Sáu để biết các tín hiệu về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.