Giá dầu ít thay đổi trong phiên giao dịch bấp bênh thứ Ba (ngày 04/04) khi các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ trước dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ và Trung Quốc có thể cho thấy nhu cầu dầu hạ nhiệt.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 1 cent ở mức 84,94 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giao sau đóng cửa tăng 29 cent, tương đương 0,4%, ở mức 80,71 USD/thùng.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết: “Chúng ta sẽ cần thấy nhu cầu được duy trì và tăng lên để đẩy giá dầu thô lên trên 80 USD/thùng.”
Dầu thô Brent và WTI đã tăng hơn 6% vào thứ Hai sau khi OPEC+ làm rung chuyển thị trường với thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày (bpd) từ cho đến cuối năm 2023.
Cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm và sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 3 đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu mỏ. Hoạt động sản xuất yếu kém ở Trung Quốc vào tháng trước cũng làm trầm trọng thêm tình hình.
Thị trường chứng khoán sụt giảm do dữ liệu kinh tế yếu hơn, trong khi vàng vượt qua mức quan trọng 2.000 USD khi các nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn an toàn.
Các tín hiệu kinh tế đi cùng với những lo ngại về lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, khi giá dầu tăng dẫn đến lãi suất cao hơn.
Các mục tiêu sản lượng mới nhất của OPEC+ nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày, bao gồm mức cắt giảm 2 triệu thùng vào tháng 10 năm ngoái, tương đương khoảng 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Việc hạn chế sản xuất khiến nhiều nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng vào cuối năm 2023 và lên 100 USD vào năm 2024.
Trong khi đó, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm hơn 4 triệu thùng vào tuần trước, theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ hôm thứ Ba. Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters đã ước tính tồn kho giảm 2,3 triệu thùng.