Trước đây khái niệm đòn bẩy thường xuất hiện trong lĩnh vực vật lý giúp cho con người thực hiện những công việc khó nhọc một cách dễ dàng hơn. Sau này, khái niệm đòn bẩy đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy cho doanh nghiệp, người kinh doanh, những nhà đầu tư đạt được mục tiêu lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, đòn bẩy là một công cụ có tính 2 mặt, nếu sử dụng hợp lý và hiệu quả sẽ đem đến tối đa hóa lợi ích, ngược lại, nó khiến cho kết quả kinh doanh gặp nhiều rủi ro hơn.
Bài viết hôm nay, đánh giá sàn sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu thêm về các loại đòn bẩy trong kinh doanh cũng như cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả.
1. Khái niệm về đòn bẩy là gì?
Đòn bẩy kinh doanh hay còn gọi Operating Leverage (OL) còn được gọi là đòn bẩy hoạt động. Khái niệm này được sử dụng để phản ánh mức độ ảnh hưởng của kết cấu chi phí (kết cấu giữa chi phí kinh doanh cố định và chi phí kinh doanh biến đổi) kinh doanh của một doanh nghiệp đến lợi nhuận trước thuế và lãi vay khi doanh thu có sự thay đổi.
Tóm lại, đòn bẩy kinh doanh dùng phân tích mối quan hệ giữa chi phí cố định và chi phí biến đổi.
Nếu công ty có tỷ lệ chi phí hoạt động cố định sao với chi phí hoạt động biến đổi cao đồng nghĩa với việc đòn bẩy kinh doanh của công ty đo cao. Ngược lịa, công ty có chi phí hoạt động cố định so với chi phí hoạt động biến đổi thấp thì đòn bẩy kinh doanh của công ty đó thấp.
Công thức đo độ lớn của các loại đòn bẩy trong kinh doanh
2. Các loại đòn bẩy trong kinh doanh
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp thì đòn bẩy được chia thành 3 loại bao gồm: đòn bẩy hoạt động, đòn bẩy tài chính và đòn bẩy tổng hợp.
2.1. Đòn bẩy hoạt động (Operating Leverage)
Đòn bẩy hoạt động miêu tả mức độ sử dụng chi phí cố định trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm gia tăng lợi nhuận trước thuế và lãi vay.
Mức độ sử dụng đòn bẩy hoạt động được tính bằng tỷ trọng của chi phí cố định trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ trọng này càng lớn thì đồng nghĩa việc doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy hoạt động cao và ngược lại tỷ trọng này càng nhỏ thì đồng nghĩa việc doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy hoạt động thấp.
- Chi phí cố định (hay còn gọi định phí) là những khoản chi phí mà không thay đổi khi sản lượng thay đổi như chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí bảo hiểm, một phần chi phí quản lý…
- Chi phí biến đổi (còn gọi biến phí) chính là khoản phí thay đổi khi sản lượng thay đổi, khoản chi phí này liên quan đến quá trình tạo ra một sản phẩm như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công hay điện nước sản xuất…
Đòn bẩy hoạt động phản ánh tỷ lệ thay đổi của lợi nhuận trước thuế và lãi vay ảnh hưởng bởi sự thay đổi về sản lượng tiêu thụ. Đòn bẩy hoạt động sẽ cho doanh nghiệp biết khi sản lượng (hay doanh thu) tăng/giảm 1% thì lợi nhuận trước thuế và lãi vay sẽ tăng/giảm bao nhiêu phần trăm.
Ý nghĩa của đòn bẩy hoạt động đối với doanh nghiệp: với mức sản lượng biết trước, doanh nghiệp có thẻ xác định được xác định được độ nghiêng của đòn bẩy hoạt động
(DOL), cho nên việc xem xét giá trị của DOL sẽ giúp doanh nghiệp biết trước được sự thay đổi của sản lượng hay doanh thu ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT), để đưa ra các chiến lược về doanh thu và chi phí cho hợp lý.
Rủi ro của đòn bẩy hoạt động đem đến cho doanh nghiệp: đòn bẩy hoạt động cao hay thấp không phải là nguồn gốc của rủi ro cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp gặp rủi ro khi có sự thay đổi về doanh thu và chi phí sản xuất theo hướng tiêu cực. Nói theo cách khác, đòn bẩy hoạt động khuếch đại sự thay đổi của EBIT khi doanh thu hay chi phí thay đổi chính vì vậy nó cũng khuếch đại rủi ro cho doanh nghiệp.
2.2. Đòn bẩy tài chính (Financial Leverage)
Đòn bẩy tài chính hay Financial Leverage đề cập đến việc vay nợ của doanh nghiệp nhằm bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh để gia tăng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) hay gia tăng lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu.
Tỷ số đòn bẩy tài chính được xác định bằng tỷ số nợ vay/tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có tỷ số nợ vay càng lớn thì có đòn bẩy tài chính càng cao.
Tác dụng của đòn bẩy tài chính: đòn bẩy tài chính liên quan đến việc sử dụng các nguồn tài trợ có chi phí cố định chẳng hạn như các khoản nợ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi. Đòn bẩy tài chính được xem như một lá chắn thuế của doanh nghiệp vì chi phí lãi vay được tính vào chi phí phải trả, nên có tác dụng làm gia tăng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ROE.
Ý nghĩa của đòn bẩy tài chính đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp: với mỗi phương án huy động vốn khác nhau, tại một mức EBIT xác định thì doanh nghiệp sẽ biết trước được sự thay đổi của EBIT có ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập trên mỗi cổ phần thường. Nói một cách khác, đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp nhận biết tác động của việc sử dụng nợ lên thu nhập trên một cổ phần thường.
Sự rủi ro mà đòn bẩy tài chính có thể đem đến cho doanh nghiệp:
- Khi một doanh nghiệp sử dụng nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn của mình, đồng nghĩa với việc họ phải có nghĩa vụ thanh toán các chi phí phát sinh từ việc vay nợ đó, bất kể kết quả kinh doanh như thế nào.
- Sẽ có 2 trường hợp xảy ra: nếu kinh doanh thuận lợi, giúp tăng doanh thu, EBIT tăng thì đòn bẩy tài chính càng lớn sẽ thúc đẩy tỷ lệ gia tăng EPS càng cao. Tuy nhiên ngược lại, nếu kinh doanh không thuận lợi, EBIT giảm, tỷ lệ đòn bẩy tài chính càng lớn sẽ làm tăng xác suất mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
2.3. Đòn bẩy tổng hợp (Total Leverage)
Chính là việc một doanh nghiệp sử dụng kết hợp cả 2 loại đòn bẩy cả đòn bẩy hoạt động và đòn bẩy tài chính.
Ảnh hưởng bởi sự tác động của đòn bẩy hoạt động, khi thay đổi sản lượng tiêu thụ, tỷ lệ thay đổi của EBIT sẽ được khuếch đại. Khi lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) thay đổi, đòn bẩy tài chính sẽ khuếch đại tỷ lệ thay đổi EPS. Như vậy, khi sử dụng đòn bẩy tổng hợp, một sự thay đổi trong sản lượng tiêu thụ sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn hơn trong thu nhập trên mỗi cổ phần thường.
Đòn bẩy tổng hợp hay độ nghiêng đòn bẩy tổng hợp (DTL – Degree of Total Leverage) sẽ phản ánh được tác động của sản lượng đến thu nhập cổ phần thường EPS.
3. Một số loại đòn bẩy khác
- Đòn bẩy Marketing: doanh nghiệp đầu tư một khoản chi phí vào việc Marketing, truyền thông, sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng (KOLs) để tiếp cận đến nhiều khách hàng.
- Đòn bẩy công nghệ: công nghệ góp phần tăng hiệu suất kinh doanh cho doanh nghiệp khi sử dụng chúng một cách hiệu quả. Chẳng hạn, thay vì tốn nhiều chi phí nhân lực trong việc sản xuất, thì doanh nghiệp có thể đầu tư vào máy móc, công nghệ để tự động hóa quy trình, giảm thiểu rủi ro.
- Đòn bẩy con người: nếu một doanh nghiệp biết tận dụng nguồn lực con người tốt như về thời gian, kinh nghiệm cũng như trí tuệ là một doanh nghiệp đang sử dụng hiệu quả đòn bẩy con người. Tuy nhiên việc tận dụng được nguồn lực con người nhưng các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp không tốt thì đòn bẩy này cũng sẽ mang lại sự rủi ro lớn cho doanh nghiệp.
Phần kết
Trên đây là các loại đòn bẩy trong kinh doanh mà chúng tôi đã đề cập. Trong bất cứ lĩnh vực nào hay trên loại thị trường nào thì đòn bẩy cũng là một công cụ có tính 2 mặt, chính vì vậy, không chỉ nhà đầu tư mà cả doanh nghiệp nên cẩn trọng trước khi sử dụng công cụ đòn bẩy để mang lại hiệu quả cao.