Giá dầu gần như không thay đổi vào thứ Ba (2/7), giữ gần mức cao nhất trong 2 tháng đạt được trong phiên trước, do kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tăng từ mùa du lịch hè và khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giá dầu thô Brent tương lai tăng 20 cent lên 86,80 USD/thùng tính đến 01:42 GMT sau khi tăng 1,9% trong phiên trước đó lên mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/4.
Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 13 cent lên 83,51 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% lên mức cao nhất kể từ ngày 26/4.
Nhu cầu xăng tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng khi mùa du lịch mùa hè bắt đầu với kỳ nghỉ lễ Độc lập vào tuần này. Hiệp hội ô tô Mỹ dự báo rằng việc đi lại trong kỳ nghỉ lễ sẽ cao hơn 5,2% so với năm 2023, riêng việc đi lại bằng ô tô cao hơn 4,8% so với một năm trước đó.
“Điều này có thể giúp nhu cầu xăng phục hồi sau nửa đầu năm 2024 ảm đạm”, các nhà phân tích của ANZ viết trong một lưu ý.
Về phía cung, thị trường đang lên kế hoạch cho những gián đoạn có thể xảy ra do Bão Beryl đối với hoạt động lọc dầu và sản xuất ngoài khơi của Mỹ. Tuy nhiên, các dự báo hiện tại cho thấy cơn bão có khả năng di chuyển vào Vịnh Campeche của Mexico và gây ra vấn đề cho hoạt động sản xuất dầu tại đó.
Beryl tấn công vùng Caribe với cường độ bão cấp 4 vào thứ Hai, với cảnh báo từ Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ về “tình huống cực kỳ nguy hiểm” sau khi nó chuyển từ bão cấp 1 sang bão cấp 4 trong vòng 10 giờ.
Dấu hiệu lạm phát đang giảm ở Mỹ đang làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất, có thể là vào tháng 9.
Một báo cáo hôm thứ Hai cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm trong tháng thứ ba và giá mà các nhà sản xuất phải trả cho một số đầu vào đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.
Cùng với báo cáo của Bộ Thương mại hôm thứ sáu cho thấy dữ liệu lạm phát của Mỹ không thay đổi trong tháng 5, điều đó có thể củng cố lý do cần phải hạ lãi suất, một bước đi sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, dấu hiệu nhu cầu tăng trưởng thấp hơn dự kiến đã hạn chế mức tăng của giá dầu.
Một số dữ liệu cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu vào châu Á , khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, trong nửa đầu năm 2024 thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc giảm.