Một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy hoạt động dịch vụ của Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên sau gần 2 năm vào tháng 6 do nhu cầu trong nước nguội đi, mặc dù niềm tin kinh doanh và các chỉ số tuyển dụng vẫn lạc quan.
Ngành dịch vụ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Nhật Bản, bù đắp cho hoạt động sản xuất yếu kém.
Khảo sát của S&P Global Market Intelligence cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) cuối cùng của Ngân hàng au Jibun đã giảm xuống 49,4 vào tháng 6 từ mức 53,8 vào tháng 5, chấm dứt chuỗi 21 tháng tăng trưởng liên tiếp.
Chỉ số PMI yếu hơn mức đọc nhanh là 49,8, đây là lần đầu tiên chỉ số này xuống dưới ngưỡng 50,0 kể từ tháng 8/2022.
Trevor Balchin, giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh mới trong tháng 6 đánh dấu sự tạm dừng tăng trưởng thay vì sự sụt giảm hoàn toàn về nhu cầu.
Cuộc khảo sát cho thấy nhu cầu về dịch vụ tiêu dùng, tài chính và bảo hiểm, bất động sản và dịch vụ kinh doanh đều giảm trong khi nhu cầu về vận tải và lưu trữ, thông tin và truyền thông lại tăng vào tháng 6.
Đồng yên yếu, đã giảm hơn 12% trong năm nay, cũng thúc đẩy nhu cầu ở nước ngoài đối với các dịch vụ của Nhật Bản.
Mặc dù với tốc độ chậm hơn, tăng trưởng việc làm và niềm tin kinh doanh trong 12 tháng tới vẫn tương đối mạnh mẽ.
Trong khi đó, sự kết hợp giữa tiền lương, thực phẩm, nhiên liệu và đồng yên yếu đã đẩy giá đầu vào tăng, góp phần vào mức lạm phát nhanh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.
Tiền lương và chi phí vật liệu tăng thúc đẩy các công ty tiếp tục tăng giá cho người tiêu dùng, trong khi tốc độ tăng giá trung bình chỉ giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục vào tháng 4 và tháng 5.
Chỉ số PMI tổng hợp của Nhạt Bản, kết hợp số liệu về hoạt động sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 49,7 vào tháng 6 từ mức 52,6 vào tháng 5, đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống dưới mức 50,0 trong 7 tháng.